"Món quà cho khách phương xa, món ăn tinh thần bổ ích cho người trong vùng (Hoa Thịnh Đốn).
Tháng ba năm 2008, Văn Bút Quốc Tế (International PEN) tổ chức cuộc hội thảo “Nhà văn vì Hòa Bình” (Writers for Peace) kỳ thứ 40 tại Bled, Slovenia, từ ngày 26 đến 30, với chủ đề: “Ý thức Âu Châu” (What is European Consciousness?) và “Đạo tắc trong Lịch sử” (An Ethical Attitude to History as a Source of Peace).
Theo sự hiểu biết của tôi, Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại chưa bao giờ tham dự một cuộc hội thảo như vậy. Nhận được thư mời, tôi có ý định tham dự vì nghĩ đây là cơ hội đem chuông đi đánh xứ người hiếm có và nhận thấy chủ đề khá hay và phong phú, rất hợp với tôi. Vả lại địa điểm tổ chức là nơi tôi chưa đến bao giờ. Chỉ biết Bled là một thành phố đẹp của Slovenia, nơi thường diễn ra các hội nghị quốc tế, kể cả NATO. Tôi rất muốn tới một lần cho biết.
Slovenia tách ra khỏi Nam Tư sau khi khối Cộng sản Đông Âu sụp đổ vào cuối thập niên 1980 và tuyên bố độc lập năm 1991 sau một cuộc nổ súng ngắn mười ngày, không kéo dài cảnh bắn giết đẫm máu khi ly khai như tại Bosnia, Croatia và Kosovo. Có lẽ vì vậy mà ít người biết tới Slovenia. Cần phải có nhiều xác chết và nhiều đổ nát trên màn ảnh truyền hình và trên mặt báo năm này sang năm khác cùng với những tội ác ghê tởm của chiến tranh để được thế giới biết tới.
Sau khi quyết định tham dự, tôi khởi sự viết bài tham luận đồng thời tìm người cùng đi. Nhà văn Nhà văn Nguyễn Đăng Tuấn, Chủ tịch Khu Vực Đông Nam Hoa Kỳ, VBVNHN, hăng hái tham gia.
Đề tài được tôi chọn là mối liên hệ cay đắng, bi thảm giữa Việt Nam và Pháp cùng với những hệ lụy của nó kéo dài cho đến ngày nay, và đã viết một bài tham luận gửi tới ban tổ chức với tựa đề “Lights of Paris, Tears of Saigon” (Ánh sáng Paris, Nước mắt Sài-gòn) để được in vào tập tài liệu của cuộc hội thảo cùng với 29 bài viết khác tuyển chọn từ những bài viết của các nhà văn trên khắp thế giới.
Đây là cơ hội nói lên sự thật về Việt Nam trước một cử tọa quốc tế gồm nhiều nhà văn và trí thức Âu Châu mà trong đó có nhiều thành kiến, nhiều ngộ nhận được tạo ra bởi những huyền thoại kéo dài trong mấy thập niên qua.
Sáng Thứ Sáu 28 tháng 3, tôi đã lên tiếng trước các đại biểu của 30 Trung tâm thành viên của VBQT, phần lớn là thuộc các nước Âu Châu. Trước tôi đã có vài người phát biểu. Nhà văn Edvard Kovac, kiêm giáo sư đại học, Văn Bút Slovenia, đã dẫn chứng lịch sử để nói về những tranh chấp diễn ra trong quá khứ tại Âu Châu đều bắt nguồn từ những mâu thuẫn về “quyền lịch sử” của các dân tộc khác nhau dựa trên những huyền thoại được tạo thành do ảnh hưởng của các học thuyết khác nhau về quốc gia, ngôn ngữ hay tôn giáo. Nhà văn Pháp Monique-Lise Cohen nói về tính đạo đức cố hữu của hòa bình trong những bạo động của lịch sử. Bà cho rằng từ lúc khởi thủy của nhân loại, thế giới đã là một sân khấu của những cuộc chiến tranh và phi công lý, trong đó ước mơ hòa bình đã hiện hữu và hướng dẫn lương tâm chúng ta. Nhà văn Bồ-đào-nha Teresa Salema đặt câu hỏi về sự cần thiết của những tranh chấp trong một nền hòa bình bền vững, và làm cách nào để loại bỏ những tranh chấp và đạt tới hòa bình với một thế giới trong đó con người lâm chiến với nhau trong đủ loại đao binh. Nhà văn Na-uy Kjell Olaf Jensen cho rằng “lịch sử đã luôn luôn là một nguồn gốc của chiến tranh” hơn là nguồn gốc của hòa bình, và con người đã học được những gì trong lịch sử mà cứ mãi tái diễn những lỗi lầm trong quá khứ?
Nhà văn Mỹ tự nhận là “lưu vong” Elizabeth Csiscery Rónay cũng cho rằng lịch sử là nguồn gốc của hầu hết cuộc chiến tranh này đến cuộc chiến tranh khác, là nguồn gốc của tàn bạo, diệt chủng, chém giết, sát nhân. Bà nhà văn này trông rất trẻ, nhìn bề ngoài mà đoán thì chỉ ngoài 40 tuổi nhưng lại khoe kinh nghiệm của chính mình trong “phong trào phản chiến” chống chiến tranh Việt Nam tại Mỹ khoảng 40 năm trước.
Diễn giả thuật rõ về cuộc xuống đường tại thủ đô Washington ngày 3.5.1971, đã cùng một đồng chí là Scott Smith lập kế hoạch để làm gián đoạn lưu thông và gây tình trạng hỗn loạn, làm tê liệt các cơ quan chính phủ để “đưa chiến tranh Việt Nam tới chỗ kết thúc”, bằng phương pháp bất bạo động. Đối lại, theo lời Rónay, chính quyền Nixon quyết định giữ cho Washington mở cửa bằng mọi giá, đã huy động 10,000 binh sĩ Liên bang đóng chốt khắp thành phố, cộng với 4,000 lính dù, 5,100 cảnh sát thành phố và 2,000 Vệ binh Quốc gia. Đoàn biểu tình, khoảng 10,000 người tuy bất bạo động nhưng đã bị đàn áp và khoảng 2,000 người đã bị bắt, trong đó có Elizabeth Csiscery Rónay và Scott Smith.
Rónay kết luận rằng tuy cuộc biểu tình không đóng cửa được chính quyền, nhưng về một phương diện khác, nó “đã đóng thêm một cái đinh vào chiếc quan tài của cuộc chiến tranh tại Việt Nam”. Rónay nói rằng kết cuộc, phong trào phản chiến phần lớn bất bạo động chống lại chiến tranh tại Việt Nam đã được gọi là phong trào quan trọng nhất thuộc loại này trong lịch sử nước Mỹ.
Dĩ nhiên Rónay không nói đến những gì đã xảy ra tại Việt Nam sau ngày chiến tranh chấm dứt, như độc tài, đàn áp, trại cải tạo, làn sóng thuyền nhân, v.v…Đây là điển hình của thái độ thiếu đạo đức trong lịch sử, đã khuyến khích chiến tranh, thay vì phục vụ hòa bình như họ hô hào, và đã đưa đến thảm kịch Việt Nam ngày nay.
Bài phát biểu của Rónay là cơ hội tốt cho tôi để lên tiếng chỉnh lại. Tôi đã nói tới những huyền thoại về Việt Nam đã được tuyên truyền cộng sản dựng lên và được Tây Phương chấp nhận như là sự thật trong nhiều năm, do định kiến thiên lệch của truyền thông và trí thức tả phái Tây Âu, và do nước Pháp cố tìm lại vai trò đã mất tại cựu thuộc địa Đông Dương.
Sự góp mặt và góp tiếng của Việt Nam tại diễn đàn này là đúng nơi và đúng lúc. Mọi người có vẻ hơi ngạc nhiên vì hình như đây là lần đầu tiên người Việt Nam lên tiếng tại diễn đàn này, và lại lên tiếng với một bài tham luận thách thức lương tri và sự can đảm của trí thức Âu Châu. Họ chăm chú lắng nghe, vài người lấy sổ tay ghi chép. Tới phần thảo luận, không ai có ý kiến gì về bài tham luận “Ánh sáng Paris, Nước mắt Sài-gòn”, nhưng khi cuộc họp chấm dứt, Nhà văn Edvard Kovac, Chủ tịch Ủy-ban Nhà Văn vì Hòa Bình, cũng là một giáo sư đại học và là người điều hợp cuộc thảo luận, đã nói riêng với tôi rằng ông cảm ơn và rất đồng ý với bài nói của tôi. Ông nhấn mạnh: “Murder is murder.”
Ngày hôm sau, nhật báo “DELO” ở Slovenia đã viết về nội dung những phát biểu của tôi trong bài tường thuật về cuộc hội thảo với những nhận định về tương quan giữa văn hóa và hòa bình khiến có nhiều người hơn biết tới sự tham dự của phái đoàn Việt Nam. Ngoài ra, có những buổi sinh hoạt bên lề như các buổi nói chuyện về văn học, hội thơ, tiếp tân, kể cả một buổi tiếp tân do Tổng thống Danilo Turk khoản đãi.
Đặc biệt, trong một buổi hội thơ, anh Nguyễn Đăng Tuấn, người bạn đồng hành, đã làm mọi người xúc động với bài thơ “Em bé Việt Nam làm điếm” bằng tiếng Anh và được yêu cầu ngâm thơ tiếng Việt mà hầu hết những người có mặt đều lần đầu tiên được nghe điệu ngâm Việt Nam đầy âm sắc và nhạc tính, khác hẳn lối đọc thơ phương Tây. Sau đó, Nguyễn Đăng Tuấn đã được đài truyền hình ở Slovenia phỏng vấn để giới thiệu với khán giả địa phương về văn học và văn hóa Việt Nam.
Mấy ngày ở Bled thật khó quên.
ST
Sơn Tùng trên bàn diễn giả.
Sơn Tùng và Tổng Thư Ký VBQT Eugene Schoulgin
Bled có cái hồ rất đẹp làm nhớ Hồ Xuân Hương Đà Lạt
Comments